Phó tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco khẳng định rất muốn tham gia vào 3 dự án điện mặt trời có quy mô hơn 8.000 tỷ đồng tại tỉnh Đắk Nông vừa được bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia.
Tháng 11/2020, ba dự án điện mặt trời tại tỉnh Đắk Nông được Thủ tướng chấp thuận bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. Các dự án này đều do một doanh nghiệp nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh lập hồ sơ, bổ sung quy hoạch gửi tới Chính phủ.
Tại văn bản ký ngày 20/11/2020, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung danh mục các dự án điện mặt trời và lưới điện đấu nối vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh để triển khai thực hiện theo cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển điện mặt trời được cấp có thẩm quyền ban hành.
Trong đó, địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 3 dự án gồm: điện mặt trời Xuyên Hà (130MWp tại huyện Krông Nô), Ea T’ling (95MWp tại huyện Cư Jút) và Cư Knia (180MWp tại huyện Cư Jút).
Video: Một dự án điện gió ở Đắk Nông
@binhbong99 View điện gió siêu chill, gần 1km mặt đường ô tô tận đất, 7ha, có suối. Giá chỉ 4 tỏi thôi ạ #bds #batdongsan #daknong #dakmil #binhbong99 ♬ nhạc nền – Art House Sapa
Cả 3 dự án trên được tỉnh Đắk Nông đề xuất tới bộ, Chính phủ đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia.
Trong đó, điện mặt trời Xuyên Hà dự kiến có công suất 130MWp (đặt tại thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô), thời gian hoạt động đề xuất 50 năm kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.
Điện mặt trời Ea T’ling (tại thị trấn Ea Tling, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút) dự kiến công suất 95MWp, tổng mức đầu tư sơ bộ gần 1.900 tỷ đồng, thời gian hoạt động dự án 50 năm từ thời điểm được cấp chủ trương đầu tư.
Điện mặt trời Cư Knia (thị trấn Ea Tling, xã Trúc Sơn và xã Cư Knia, huyện Cư Jút) dự kiến công suất 180MWp, tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng.
Các nội dung trong hồ sơ từng dự án cơ bản giống nhau (sự cần thiết bổ sung quy hoạch, thời hạn hoạt động dự án, đánh giá tiềm năng năng lượng mặt trời tại tỉnh…).
Nguồn vốn phục vụ ba dự án đều chung một cách tính toán: khoảng 20% tổng vốn đầu tư là vốn tự có của chủ sở hữu, còn lại là vốn vay nước ngoài với lãi suất 5,16%/năm.
Đồng thời, 3 dự án đều đưa mức giá bán điện của nhà máy là 7,09 cent/kwh. Theo đó, các dự án này đều là dự án IPP, do đó giá bán điện sẽ được thoả thuận giữa nhà đầu tư và EVN trong hợp đồng PPA. Hiện Chính phủ đang dự thảo và sẽ ra quyết định sớm về khung giá bán điện cho các nhà máy điện mặt trời.
Liên quan tới năng lực thực hiện các dự án điện mặt trời nêu trên, theo thông tin của TheLEADER, Tập đoàn Geleximco đã có cam kết bảo lãnh gửi tỉnh Đắk Nông về nhân sự, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính, đảm bảo thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án.
Pháp nhân được Geleximco bảo lãnh thực hiện các dự án là Công ty CP Phát triển và công nghệ D&T.
Theo đó, Geleximco cam kết với UBND tỉnh Đắk Nông với nguồn lực về nhân sự, kinh nghiệm thực hiện dự án và tiềm năng tài chính của mình đảm bảo thu xếp nguồn vốn một cách phù hợp và hỗ trợ tối đa trên mọi phương diện cho chủ đầu tư là Công ty D&T thực hiện các dự án hiệu quả nhất và cho đến khi hoàn thành các dự án của Công ty D&T.
Các tài liệu hồ sơ bổ sung quy hoạch 3 dự án đều thể hiện Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1) là tác giả (lập theo hợp đồng với Công ty D&T) nhằm để trình lên Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) xem xét, chấp thuận phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Nông cũng như quy hoạch điện quốc gia.
Ngoài ra, website của PECC1 cũng nhắc tới 2 trong 3 dự án nêu trên (tên, công suất, chủ đầu tư là Công ty D&T) nằm trong danh mục các dự án năng lượng tái tạo (tham gia ở giai đoạn bổ sung quy hoạch thời điểm năm 2019).
Trao đổi với TheLEADER, ông Vũ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết: Geleximco và Công ty D&T có mối quan hệ hợp tác liên doanh. Ở 3 dự án điện mặt trời nêu trên, mỗi bên sẽ lo một phần công việc. Thực tế, công ty D&T thực hiện việc tham mưu, hỗ trợ UBND tỉnh Đắk Nông lập, bổ sung hồ sơ đệ trình dự án lên bộ, Chính phủ, chứ không phải công ty này chủ động lập, đề xuất dự án.
Cũng theo ông Hậu, việc Công ty D&T có được giao thực hiện 3 dự án nêu trên tại Đắk Nông hay không đến nay vẫn chưa rõ. Bởi, tỉnh còn chờ Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, cũng có thể tỉnh Đắk Nông sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện, nên Công ty D&T sẽ phải chứng minh thêm một số vấn đề như năng lực, vị trí thực hiện, giải phóng mặt bằng, quỹ đất…
“Hiện tại vẫn đang xin nhưng được hay không thì còn phụ thuộc vào thời gian. Theo quy trình, doanh nghiệp lập, tham mưu địa phương và xin dự án đó từ tỉnh. Tóm lại, vẫn phải chờ, dù Geleximco rất muốn’’, ông Hậu cho biết.
Đánh giá về khoản tài trợ tín dụng cho 3 dự án (trong trường hợp tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty D&T thực hiện), lãnh đạo Geleximco tỏ ra khá tự tin.
“Ba dự án nghe có vẻ to, cũng chỉ có hơn 8.000 tỷ đồng thôi. 15% là khoảng 1.200 tỷ đồng. Hai bên (Geleximco và Công ty D&T) hợp tác thì không vấn đề gì”, ông Hậu nhấn mạnh.
Về phía Công ty D&T, trao đổi với TheLEADER, ông Phạm Tuân – Phó tổng giám đốc Công ty D&T cũng cho biết, công ty mới thành lập nên còn non cả về tài chính lẫn kinh nghiệm để thực hiện những dự án lớn như này. Tuy nhiên, rất may mắn cho Công ty D&T là được hợp tác, hỗ trợ từ Tập đoàn Geleximco.
Công ty D&T (thành lập tháng 8/2019) có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đặt trụ sở tại Trung Hòa – Nhân Chính (TP. Hà Nội). Các cổ đông sáng lập (thời điểm 2019) gồm: Phùng Thị Kim Thoa (35%), Đỗ Thị Kim Phúc (43,9%), Nguyễn Diệu Linh (16%) và Phạm Tuân (5,1%). Công ty do ông Trần Đỗ Thành (tổng giám đốc) làm người đại diện theo pháp luật.
Đáng chú ý, ôngTrần Đỗ Thành cũng là người đại diện pháp luật (đồng thời đảm nhiệm vị trí trong ban lãnh đạo) của một số doanh nghiệp khác như: Công ty CP Khoáng sản và năng lượng T&T –Thái Sơn, Công ty CP Bệnh viện quốc tế Hà Nội – Tokyo.
Nguồn: https://theleader.vn/ai-dung-sau-3-du-an-dien-mat-troi-tai-dak-nong-1618587853996.htm