Đắk Nông “thoát nghèo”, nỗ lực tăng trưởng, phát triển

0

Ngày 12/7, Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 (Nghị quyết số 10) và Kết luận số 12–KL/TW ngày 24/10/2011 (Kết luận số 12) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Điểu K’Ré, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị

Thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Nông đã chủ động tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Giai đoạn 2016–2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 6,02%. Quy mô nền kinh tế tăng 1,34 lần so với đầu nhiệm kỳ. Bước đầu, Đắk Nông đã huy động được tiềm năng khoáng sản bôxít, alumin vào tăng trưởng.

Nhờ đó, quy mô khu vực công nghiệp tăng 1,78 lần. Tốc độ bình quân đạt 12,22%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 38,65 triệu đồng (năm 2016) lên 47,76 triệu đồng (năm 2020).

Tỉnh thoát khỏi nhóm có thu nhập bình quân đầu người thấp. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm 12,28% so với năm 2016. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016–2020 đạt 11.372 tỷ đồng, gấp 1,67 lần so với giai đoạn 2011–2015.

Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội được quan tâm, triển khai kịp thời, hiệu quả. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Tỉnh đã thực hiện hiệu quả chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, Đắk Nông gặp một số khó khăn nhất định. Đó là, điểm xuất phát kinh tế xã hội rất thấp; quy mô nền kinh tế nhỏ, cơ bản là thuần nông.

Tình trạng dân di cư tự do dẫn đến rừng bị lấn chiếm, tàn phá; số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh còn cao. Đắk Nông thiếu nguồn lực để đầu tư hạ tầng; chất lượng giáo dục y tế còn thấp so với mặt bằng chung…

Các đại biểu tham dự tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận rút ra những bài học kinh nghiệm, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của địa phương đối với từng ngành, lĩnh vực, vấn đề cụ thể.

Các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cũng được các đại biểu tập trung thảo luận…

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Tây Nguyên. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân cao hơn bình quân chung cả nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 10, nhất là sau 10 năm thực hiện Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, Đắk Nông đã thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển.

Tuy nhiên, đặt trong tương quan phát triển của vùng Tây Nguyên và cả nước, quá trình phát triển của Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế. Để khắc phục các tồn tại, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp.

Đó là tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đẩy mạnh.

Các cấp, ngành tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, nguồn lực từ bên ngoài vào phát triển.

Việc tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại.

Đắk Nông sẽ sớm hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu tối đa các ý kiến tham luận tại Hội nghị để bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng kết, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, khẩn trương báo cáo với Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương.

UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất Bộ Chính trị ban hành các cơ chế, chính sách để Đắk Nông, vùng Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Đặc biệt, UBND tỉnh cần triển khai tốt nhiệm vụ để thực hiện dự án Đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, chủ trương xây dựng sân bay Nhân Cơ.

Nguồn: https://baodaknong.org.vn/thoi-su-trong-tinh/dak-nong-thoat-khoi-tinh-trang-tinh-ngheo-no-luc-tang-truong-phat-trien-93989.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây