Năm 2021 mình từ Sài Gòn trở về Di Linh và thật sự cảm thấy ngỡ ngàng, vui mừng kèm 1 chút lo lắng vô hình. Sốt đất! Giá đất tăng từng ngày, người dân khắp nơi đổ về Lâm Đồng đầu tư. Những gia đình nông dân ngày nào bỗng chốc trở thành tỷ phú, ai có đất, nhiều đất cũng giàu, nắm trong tay khối tiền tỉ mà trước đây khó có thể tưởng tượng ra được. Rồi điều gì xảy ra tiếp theo?
Blog Đất Đắk Nông xin chia sẻ lại góc nhìn của bạn Mạnh Tập về những lợi & hại của việc sốt đất đối với người dân và địa phương – góc nhìn từ huyện Di Linh – Lâm Đồng – tâm sốt đất đất từ 2021 tới giờ. Suốt năm 2021 tới giờ, các địa phương của tỉnh Lâm Đồng như Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc, Bảo Lâm đều là tâm điểm sốt đất. Là địa phương sát vách các điểm sốt đất này, đất Đắk Nông cũng tăng giá không kém.
Cùng đọc bài chia sẻ của tác giả Mạnh Tập về vấn đề sốt đất ở Di Linh và những mặt lợi – hại bên dưới nhé!
Hôm nay mình sẽ phân tích vấn đề này trên quan điểm và sự hiểu biết cá nhân của mình, các bạn tham khảo
Trải qua 1 năm chứng kiến, làm việc trong lòng cơn sốt đất ở Di Linh mình nhận ra khá nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm, đặc biệt là những trăn trở sốt đất có lợi, có hại gì đối với người dân và địa phương đó.
Đổi đời nhờ sốt đất
Mình sống ở Di Linh cũng tầm 20 năm rồi, cách đây 5 – 7 năm về trước đời sống người dân khá chật vật, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, năm được năm mất phụ thuộc vào thị trường và mùa màng. Nợ ngân hàng, thiếu nguồn vốn sản xuất kinh doanh, chi phí nuôi con cái ăn học, đi lại,…là những nỗi lo thường trực của người dân. Đường xá, cơ sở hạ tầng cũng kém phát triển, nhất là những xã vùng xa, đường đất lầy lội, bụi bặm, ảnh hưởng tới đời sống người dân và kéo theo chậm chạp phát triển kinh tế địa phương. Và khi cơn sốt đất đến thì sao, mọi vấn đề bên trên gần như được giải quyết!
Năm 2021 mình từ Sài Gòn trở về Di Linh và thật sự cảm thấy ngỡ ngàng, vui mừng kèm 1 chút lo lắng vô hình. Sốt đất! Giá đất tăng từng ngày, người dân khắp nơi đổ về Lâm Đồng đầu tư. Những gia đình nông dân ngày nào bỗng chốc trở thành tỷ phú, ai có đất, nhiều đất cũng giàu, nắm trong tay khối tiền tỉ mà trước đây khó có thể tưởng tượng ra được. Rồi điều gì xảy ra tiếp theo.
- Những người bán toàn bộ đất đai thì nắm trong tay rất nhiều tiền, họ đi những vùng xa hơn, mua đất diện tích rộng hơn để tiếp tục sản xuất, phần tiền còn dư họ trả nợ, mua sắm những thứ cần thiết và có khoản dự phòng cho cuộc sống, con cái. Mình thấy nhiều gia đình bán hết đất ở Lâm Đồng, đi Gia Lai mua 1 diện tích đất lớn hơn nhiều lần, nhưng vẫn còn rất nhiều tiền để sản xuất kinh doanh và đầu tư
- Những người bán 1 phần đất đai thì họ dùng đầu tư, sản xuất kinh doanh, buôn bán những ngành nghề mà trước đây họ mong muốn nhưng chưa có vốn để thực hiện
- Những người không bán đất thì có thể do cuộc sống họ thoải mái rồi, ko lo lắng kinh tế nhưng họ cũng đang nắm trong tay khối tài sản lớn đảm bảo cho cuộc sống của họ
Có bạn bảo, người dân bán đất tiêu xài hoang phí vài năm hết tiền, hết đất. Mình trả lời là có, có những gia đình bán hết đất trả nợ, chia con cái tiêu xài, vài năm hết tiền, hết đất, nợ nần,…Nhưng 100 nhà thì chỉ có 1 vài nhà như vậy thôi, dân giờ họ khôn lắm, không như ngày xưa thiếu học thiếu hiểu biết để phải tán gia bại sản vì tiêu xài, nên nhìn tổng thể, sốt đất đem lại nguồn tài sản lớn cho người dân sở hữu đất
Nếu nói sốt đất làm cho người dân ở đó tự nhiên giàu, và chúng ta cảm thấy bất công vì tự nhiên họ giàu thì chúng ta hãy nhìn vấn đề như này / Bạn đầu tư chứng khoán, bitcoin, bạn đầu tư đúng mã/coin tốt, nó tăng mạnh, bạn giàu, thì tương tự, người dân họ đi kinh tế mới, hay mua đất đúng khu vực tiềm năng, sau này tiềm năng khu đất đó được khai thác thì sốt đất, họ được hưởng, đó là điều tất nhiên, đó là khoản đầu tư của họ từ trước và nay họ được nhận.
Có bạn nói, sốt đất khiến người dân ai cũng đầu tư đất, không tập trung kinh doanh buôn bán, không tạo ra giá trị gì cho đất nước. Mình thấy quan điểm này đúng 1 phần. Dòng tiền từ những người đi đầu tư chảy sang túi người dân, và người dân dùng nó để đầu tư, kinh doanh, sản xuất, mua sắm. Thực tế dòng tiền vẫn lưu thông mạnh mẽ trong nền kinh tế, chỉ có đất là nằm đó, chứ không phải chôn tiền trong đất, người dân dùng tiền đó tiếp tục lưu thông. Tiền chuyển từ túi người này sang túi người kia và thực hiện nhiệm vụ của nó là trao đổi, mua bán, vẫn tạo ra rất nhiều giá trị cho xã hội, chỉ là nó cần phải chuyển đến đúng tay người cần sử dụng nó thôi.
Sốt đất người dân có tiền, họ cùng nhau sửa sang đường xá, đổ đường khắp nơi. Có tiền rồi, ai làm nông tiếp thì mua thêm nhiều đất vùng xa tiếp tục làm nông, đầu tư bài bản, năng suất hơn, ai có khiếu kinh doanh thì mở cửa hàng buôn bán. Có tiền, con cái họ được học hành tốt hơn, sức khỏe được chăm sóc tốt hơn. Mọi thứ nhộn nhịp và tuyệt vời hơn bao giờ hết
À, hậu sốt đất thì sao? Có người nói nhà đầu tư rút đi để lại 1 vùng quê tiêu điều. Mình không đồng ý nhé. Vì trước khi nhà đầu tư tới thì vùng quê đó đã rất tiêu điều, nghèo nàn. Khi nhà đầu tư đi để lại 1 vùng quê giàu có, và cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, người dân buôn bán tấp nập, chỉ có điều giá đất lên cao quá thôi nha.
Đối với địa phương, sốt đất tạo nguồn thu ngân sách cực lớn, tiềm lực để phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng. Nếu trước đây, nguồn thì thuế chủ yếu từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và ít ỏi, thì nay nguồn thu tăng lên hàng trăm , hàng ngàn lần từ thuế giao dịch đất đai. Mỗi giao dịch phải đóng thuế hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, một nguồn thu cực lớn. Và tất nhiên, địa phương sẽ có kinh phí làm cầu đường, các công trình công cộng,… Nên mình mới nói, sốt đất là lộc trời ban cho địa phương, không phải địa phương nào cũng biết nắm bắt và ko phải địa phương nào cũng có được. Nếu tận dụng được thì sẽ tạo sức bật lớn để địa phương đó phát triển mạnh mẽ
Nói đi thì cũng phải nói lại, sốt đất cũng làm mình trăn trở và nhiều điều lo ngại
- Đầu tiên là đối với người không có đất, ước mở sở hữu mảnh đất đối với họ đã khó khăn nay lại càng xa vời, giá đất tăng cao khiến họ rất khó để mua được mảnh đất của riêng mình. Nên mới có câu: đi làm 10 năm trên phố không mua nổi mảnh đất ở quê. Nên theo mình nghĩ, song song với việc thu lợi từ sốt đất, chính quyền nên có chính sách hỗ trợ cho những người chưa có đất để họ có thể sớm có được ngôi nhà của mình
- Thứ 2, giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực tế trong khi rất nhiều nhà đầu tư vay mượn ngân hàng để đầu tư, nếu bong bóng xảy ra sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Chính vì vậy, mình vẫn mong có 1 chính sách hiệu quả kiểm soát sốt đất (kiểm soát chứ không bóp chết) để tránh những rủi ro cho nền kinh tế. À, mình có nói kiểm soát sốt đất, chứ không bóp chết, là vì rất nhiều địa phương đang cần sốt đất để có bàn đạp phát triển, 1 số địa phương thu không đủ bù chi, thường xuyên phải xin ngân sách từ chính phủ nên việc sốt đất là điều mà họ rất cần để phát triển, đặc biệt là các tỉnh, huyện nghèo
- Thứ 3 là lạm phát. Sốt đất khiến cho đồng tiền trở nên mất giá hơn, nguy cơ lạm phát cao mất cân bằng cho nền kinh tế
- Thứ 4 là gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ai có nhiều đất càng giàu, ai không có đất càng chật vật làm để mua được miếng đất, tạo ra khá nhiều bất công trong xã hội
- Và cuối cùng, theo quan điểm của mình chốt lại. Sốt đất đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân và địa phương, bên cạnh đó cũng có nhiều bất cập. Nhà nước cần có chính sách điều chỉnh để kiểm soát sốt đất, thậm chí nên tận dụng nó cho những địa phương nghèo để họ có tiềm lực phát triển.
Đọc thêm: Đắk Lắk, Đắk Nông: Đất rẫy tăng giá gấp 5 lần “đón sóng” cao tốc / Kinh nghiệm đầu tư BĐS: Có “đất vàng” sau 20 năm mua nhà ngoại ô hẻo lánh Tây Nguyên
Mạnh Tập 28/5/2022 tại Di Linh thân yêu!
Đất Tây Nguyên năm nay sốt thật đó
[…] thêm: Sốt đất có Lợi & Hại gì đối với người dân, địa phương? Nhìn từ tâm sốt Di Linh – Lâm […]
[…] Sốt đất có Lợi & Hại gì đối với người dân, địa phương? Nhìn từ tâm … […]