Đây là lần đầu tiên Vingroup và Techcombank cùng nhau đề xuất đầu tư vào một dự án đường cao tốc.
Đọc thêm: Không hẹn mà gặp: Các tập đoàn lớn “chơi tới bến” hàng tỷ USD vào Đắk Nông đón đầu cao tốc
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử, Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất thực hiện Dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.
Cụ thể, Vingroup – Techcombank đề xuất được thực hiện xuất thực hiện Dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.
Bước đi đầu tiên trong đề xuất này là bỏ chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trong trường hợp Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án không được phê duyệt, Vingroup – Techcombank cam kết chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.
Được biết, đây là lần đầu tiên Vingroup và Techcombank cùng xin đầu tư vào một dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, liên danh này được đánh giá đánh giá là có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và quản trị đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng mạnh nhất Việt Nam hiện nay, mở ra cơ hội rất lớn để sớm triển khai đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây dài nhất, nối Tây Nguyên với cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ.
Điều đáng nói, ngoài Vingroup – Techcombank, hiện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC cũng đang bắt tay nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuyến cao tốc đoạn Đắk Nông – Bình Phước có tổng chiều dài 212 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 110 km, qua Bình Phước 102 km.
Dự án có quy mô đầu tư từ 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100km/h. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình qua địa bàn tỉnh Đắk Nông bị chia cắt, lưu lượng phương tiện chưa cao và khả năng cân đối vốn còn khó khăn, hai bên thống nhất đề xuất đoạn qua tỉnh Đắk Nông dự kiến đầu tư với quy mô 4 làn xe, trong đó nền đường rộng 24,75m, mặt đường rộng 15m, dải phân cách 2,25, lề 7,5m.
Ở đâu có hạ tầng, ở đó bất động sản tăng giá
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, xoay quanh câu chuyện sốt đất theo hạ tầng, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay, hạ tầng giao thông luôn đóng một quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, ở đâu hạ tầng giao thông tốt thì kinh tế phát triển, đô thị phát triển, tất yếu bất động sản cũng hưởng lợi. Từ lâu, các cơn sốt đất xảy ra không chỉ Hà Nội, TP.HCM hay các địa phương đều cho thấy thực tế giá đất luôn tăng khi hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng.
Lúc này, nhiều nhà đầu tư sẽ nhận định các thông tin quy hoạch để đón đầu sóng, và những nhà đầu tư có tài chính lớn sẽ nắm chắc phần thắng. Ngược lại, rất nhiều người đi trước đón đầu nhưng dùng đòn bẩy ngân hàng và vội vàng khi mua bán cũng nhận trái đắng.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết: “Thực tế, trong những năm qua, đi kèm sự cải thiện về cơ sở hạ tầng là sự hình thành các đại đô thị ở vùng ven như Gia Lâm, Đại Mỗ, Từ Liêm, hay các tỉnh lân cận Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh. Do đó, ở đâu có dự án hạ tầng giao thông là ở đó thị trường bất động sản sẽ phát triển“.
Đọc thêm: Sớm triển khai tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành kết nối Tây Nguyên
Nguồn: https://baodautu.vn/vingroup-va-techcombank-de-xuat-thuc-hien-du-an-cao-toc-dak-nong–chon-thanh-d165406.html