Tỉnh Đắk Nông chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông là “chìa khóa” giúp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đọc thêm: Thị trường BĐS Đắk Nông: Tăng giá nhờ phát triển du lịch & quy hoạch hạ tầng
Hạ tầng giao thông, thay đổi diện mạo vùng nông thôn
Đắk Nông đang vào mùa, những chiếc xe thu hoạch nông sản chạy bon bon trên những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp trải dài khắp các buôn, làng ở xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong).
Hiện trên nét mặt của người nông dân nơi đây là niềm vui sướng khó tả, sau nhiều năm lặn lội với con đường đất lầy lội, đi lại khó khăn.
Ông K’rang (ngụ Bon Phi Mur, xã Quảng Khê) phấn khởi chia sẻ: Trước đây, các tuyến đường thôn, bon là đường đất, mùa mưa lầy lội, “ổ voi ổ gà”, mùa nắng thì bụi bặm, khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản, lưu thông hàng hóa của người dân vô cùng khó khăn. Từ ngày, chính quyền phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân “chung sức chung lòng”, người góp công, góp tiền, hiến đất mở rộng đường sá khang trang, sạch đẹp.
“Nhờ có đường bê tông thuận lợi, nông sản người dân làm ra vận chuyển, mua bán dễ dàng, từ đó đời sống của người dân ngày một khá lên”, ông K’rang nói.
Theo UBND xã Quảng Khê, trên địa bàn xã có 27 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc tại chỗ 3.442 khẩu (chiếm 25,51% dân số), mức thu nhập của người dân còn thấp, đời sống dân cư nông thôn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt mạnh, dân cư phân bố phân tán nên việc bố trí sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn và tốn kém, đặc biệt trong xây dựng mạng lưới đường giao thông. Tuy nhiên với quyết tâm xây dựng nông thôn mới quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả xã Quảng Khê đã về đích nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người của xã. Thu nhập trung bình năm 2020 là 41,48 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 5,77%.
Trong 10 năm qua, xã Quảng Khê đã huy động các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 220 triệu đồng. Trong đó, người dân hiến đất, ngày công lao động và tiền chiếm 4,8%. Xã Quảng Khê đã đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa được 35 công trình giao thông với tổng chiều dài 31,966Km. Trên địa bàn xã có 83,05km/85,45km được cứng hóa đạt tiêu chuẩn chiếm 97,19%.
Tương tự, tại xã Đắk Bu So (huyện Tuy Đức) hạ tầng giao thông đã làm “thay da đổi thịt” vùng đất nơi đây. Những con đường đất đỏ, lầy lội đã “thay áo” bằng những con đường bê tông sạch, đẹp, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Chiến (xã Đắk Bu So) chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân đã đóng góp xây dựng nâng cấp, sửa chữa được nhiều tuyến đường. Các địa bàn của xã cũng được kết nối với nhau, tạo thêm động lực để phát triển kinh tế, xã hội.
“Có đường sá khang trang, nông sản của người dân thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ, nhờ đó cuộc sống của người dân nơi đây được nâng lên”, ông Chiến nói.
Tiếp bước thành công
Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho biết: “Giao thông vấn đề cốt lõi để phát triển kinh tế, hiện nay chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh về phát triển giao thông đảm bảo cho giao thương, buôn bán, đi lại của người dân được thuận lợi.
Những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi bằng nhiều nguồn lực, nguồn vốn đầu tư để đầu tư hạ tầng giao thông. Hiện nay, tiêu chí số 2 về giao thông trên địa bàn xã đạt trên 60%, đảm bảo cho thông thương nội vùng và liên vùng. Qua đó, về đời sống kinh tế được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể hơn 30 triệu đồng/người/năm”.
Theo UBND huyện Tuy Đức, những năm qua, cùng với nguồn vốn của Trung ương và địa phương, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Huyện đã huy động hơn 553 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông vùng nông thôn; người dân hiến hơn 4 ha đất; đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động tham gia làm đường giao thông.
Hiện nay, huyện đã cứng hóa được 362,49 km đường giao thông nông thôn, chiếm khoảng 51% tổng số chiều dài đường giao thông trên địa bàn. Trong đó, đường xã cứng hóa 64,7 km; đường liên thôn, bon, ngõ xóm 285,49 km; đường trục chính nội đồng khoảng 12,3 km. 100% số thôn, bon trên địa bàn có từ 1 – 2 km đường bê tông… Hạ tầng giao thông phát triển, các địa bàn được kết nối, người dân có nhiều thuận lợi trong việc phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, hiện nay toàn tỉnh đã có 29/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 48,3%, bình quân mỗi xã đạt 15,78 tiêu chí; bình quân 31 xã chưa đạt chuẩn là 12,77%; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Trong đó, đã có 41/60 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, đạt 68,3%. Trong đó, riêng TP. Gia Nghĩa, đến nay đã hoàn thiện hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương đề nghị xét, công nhận TP Gia Nghĩa hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới năm 2020. Hiện nay, đang chờ Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương tổ chức họp xét.
Ông Phan Văn Sinh, Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Nông cho biết, hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế xã hội và điều kiện sống của người dân nông thôn, đồng thời đã làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của vùng nông thôn. Từ đó, nâng cao thu nhập giảm nghèo cho vùng nông thôn. Đến nay thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 47,79 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,52%.
Cũng theo ông Sinh, dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, dịch bệnh, nhưng tỉnh quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí/xã.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát động phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” giao đoạn 2021-2025 để xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu, đẹp. Tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và ngày càng bền vững hơn để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Phấn đấu năm 2022 sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân chung mỗi xã đạt từ 16,5 tiêu chí/xã”, ông Sinh chia sẻ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-tang-giao-thong-thuc-day-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bao-dan-toc-d532326.html